29/04/2016
846
Cổ Chiên, tỏa sáng đức tin Kitô giáo
Rời Sài Gòn vào sáng sớm ngày 26.4.2016, đoàn bác ái của giáo xứ Vườn Xoài do cha chánh xứ Vincentê làm trưởng đoàn, đã thẳng tiến về miền Tây, nơi đang xảy ra đợt thiên tai hạn hán để thăm giáo xứ Cổ Chiên. Để tổ chức cho chuyến đi này, giáo xứ đã chuẩn bị kỹ càng từ rất lâu.
Cái nóng hầm hập cao điểm của tháng Tư đã phả vào từng người dù rằng điều hòa của xe đã mở hết công suất. Để đến với giáo xứ Cổ Chiên, nơi mà chỉ nghe kể, đoàn đã đi qua 3 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Khi ngang qua cây cầu Rạch Miễu (Bến Tre) cao sừng sững, uy nghi, hiện đại, cha Vincentê đã kể cho chúng tôi nghe về thời thơ ấu của ngài đã in dấu nơi đây. Ngài không thể nhận ra con đường nhỏ bé, bụi bặm, gian nan cách đây vài chục năm. Nơi mà ngài đã lặn lội để mang về những bao xác dừa dùng làm thực phẩm cho heo. Ký ức khó phai trong ngài. Đường về Trà Vinh, đoàn đã đi qua không biết bao nhiêu cây cầu lớn nhỏ để đến với giáo xứ Cổ Chiên. Trên chiếc phà cũ kỹ, cả đoàn dõi mắt về phía cù lao Hòa Minh, nơi tọa lạc nhà thờ Cổ Chiên, được bao bọc bởi tứ bề sông nước và cách không xa cửa ra biển Đông.
Cổ Chiên là một họ đạo thành lập năm 1919 thuộc Giáo phận Vĩnh Long. Ngôi nhà thờ vừa được sửa chữa, nâng cấp với màu trắng tinh. Những tốp người già trẻ lớn bé ngồi trong sân nhà thờ đã bật hết dậy khi xe của đoàn vào tới sân nhà thờ. Cha sở họ đạo Cổ Chiên mừng rỡ đón đoàn trong cái nắng chói chang. Qua dáng vẻ bề ngoài, ít ai nghĩ ngài đã ngoài 70 tuổi. Ngài là cha sở Augustinô Nguyễn Sơn Đoài, gốc Thái Bình. Với nụ cười hồn hậu, gần gũi, ngài tâm sự về cuộc sống khó khăn, gian nan của người dân trên cù lao này. Với số dân là 30 ngàn, trong đó bà con Công giáo chiếm 1/10. Người dân sinh sống bằng nghề nông nhưng cũng chỉ canh tác được một vụ, còn lại thì đi ghe cào, câu và số ít nuôi tôm vụ có vụ không. Nói chung đời sống rất bấp bênh. Tuy thế, đời sống đức tin của họ rất vững vàng. Trong thời gian xây dựng, sửa chữa nhà thờ, nhiều bà con giáo dân đã hy sinh, đóng góp vật lực, tài lực để ngôi nhà thờ khang trang hơn, an toàn hơn mỗi khi dự lễ. Qua câu chuyện, mọi người thấm thía hơn sự gắn bó và tình yêu mà ngài đã cho vùng đất “nghèo bền vững” theo cách nói của ngài.
Sau lời giới thiệu của cha Augustinô, cha Vincentê đã xúc  động chia sẻ với anh chị em trong và ngoài đạo Công giáo về số lượng 200 phần quà được trao tặng hôm nay, gồm: mì gói nước mắm, nước tương, đường, dầu ăn, bột nêm, gạo và tập vở học sinh. Cha nói: “Tôi rất mừng vì đã đến với giáo xứ vùng sâu, vùng xa này, và được chứng kiến những khó khăn, thử thách trong cuộc sống của anh chị em. Hy vọng những món quà này sẽ an ủi và động viên mọi người cố gắng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh. Xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi người”. Trong cái nắng hầm hập, các anh chị Caritas trong đoàn với sự giúp sức của thầy Kiên, cùng ông Câu, ông Biện đã vất vả với công việc trao quà. Bà con giáo dân đã tỏ ra rất mừng khi nhận được những món quà thiết thực có thể dùng ngay. Trong số bà con nhận quà, chúng tôi được tiếp xúc với chị Bùi Thị Hoa. Chị quá già với tuổi 56, với dáng người gày, đen, chị cho biết: “Chị có chồng (đang đi chài lưới), một đứa con và 3 cháu nội. Thu nhập cả nhà đều trông vào chị từ việc chằm lá lợp nhà với thù lao 100 ngàn đồng/ngày. Do đó, món quà mà chị nhận hôm nay rất quý. Xin cám ơn cha và đoàn giáo xứ Vườn Xoài nhiều lắm”. Theo lời giới thiệu của thầy Kiên (phó tế), chúng tôi gặp ông Đặng Văn Quới, ông kể: “Trước đây, tôi làm nghề chài lưới, nhưng hiện giờ đau yếu nên nghỉ hẳn, mà con tôm con cá bây giờ ít lắm, anh à! Có 8 đứa con. Vợ và con gái anh đã đi Daklak để mưu sinh. Nhận được món quà của nhà thờ, tôi mừng lắm, vì tôi nghèo mà”. Trong thời gian lưu lại giáo xứ Cổ Chiên, đoàn ngạc nhiên vì không gặp thanh niên nam nữ của xã. Để trả lời, đơn giản là họ đã rời làng xã để kiếm kế sinh nhai tại nơi khác. Họ chỉ trở về vào những ngày lễ, tết. Đó cũng là dịp đoàn tụ của bà con cù lao Hòa Minh.
Kết thúc chuyến thăm viếng và phát quà cho bà con họ đạo Cổ Chiên, cả đoàn đã được chụp hình với cha sở và quới chức trước ngôi nhà thờ đơn sơ nhưng đẹp cổ kính giữa làng quê vắng lặng, êm ả. Nói lời tạm biệt nhưng hy vọng một ngày nào đó đoàn giáo xứ sẽ trở lại để nhìn thấy sự phát triển cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần của một họ đạo vùng sâu, vùng xa giữa chập chùng sông nước.

Bà con giáo dân họ đạo Cổ Chiên 

Cha chánh xứ Vườn Xoài và cha Sở Cổ Chiên (áo đen) chuẩn bị phát quà

Đại diện HĐMVGX và Ban Caritas trao quà cho bà con  tại họ đạo Cổ Chiên

Chụp ảnh lưu niệm trước khi rời họ đạo Cổ Chiên
Bài: Trường Sơn; Ảnh: Minh Phong