09/08/2013
6820
Khởi đầu của một giáo điểm

VÀI NÉT LỊCH SỬ ĐỊA DANH VƯỜN XOÀI

Từ phía Nam đèo Ngang – Hoành sơn đi dần dần vào đến Cà Mau, Hà Tiên, dân Việt  thực hiện cuộc di dân có tính tổ chức bắt đầu từ năm 1623 khi quốc vương Chân Lạp Chei-Chetta II (1568-1635) di dân lập dinh điền ở Mô Xoài (Mỗi Xuy) gần Bà Rịa. Từ đó, dân Việt Nam Khai khoang lập ấp trên các vùng cứ địa nhưng màu mỡ như “ Tằm ăn lá dâu” ngày càng đông.

Đến năm Mậu Thân 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (Kính 1650-1700) lấy xứ Sài Côn lập huyện Tân Bình tức Gia Định ngày nay. Sang thế kỷ XVIII, nhiều thôn ấp phát triển, làng xã được thành lập, như xã Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì ra đời năm 1749 (Huỳnh Lứa “ Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ” nhà xuất bản Tp.Hồ Chí Minh, 1987, trang 144, 146)
Sinh sống trong các xã thôn, có những người Công Giáo làm nương rẫy, trồng lúa nước. Đến nửa đầu thế kỷ XIX, nông dân còn lập vườn cây ăn trái, trồng mít, trồng xoài. Cũng có những giống cây mới từ nước ngoài đưa vào như măng cụt, được Đức cha Bá Đa Lộc đem từ đảo La Sonde ở mạn nam Indonesia trồng thử vào cuối thế kỷ XVIII (Huỳnh Lứa “ Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ” nhà xuất bản Tp.Hồ Chí Minh, 1987, trang 144, 146).
 
Đức cha Bá Đa Lộc, tên Pháp là Pigneau De Béhaine, vị giám mục thứ 7 giáo phận Đàng Trong (1771-1799), trong thời gian lưu trú tại Thị Nghè, từ tháng 7/1789, thường tới vùng Chí Hòa thuộc xã Tân Sơn Nhất. Đức cha có gặp một số giáo dân đi làm rẫy sinh sống tại đây, thường chiều tối tụ tập nhau đọc kinh. Đức cha quy tụ giáo dân dựng lên một nhà nguyện. Đức cha cũng nhường một vùng đất cao ráo làm nơi nghỉ mát của Đức cha, nơi đây khí hậu mát mẻ, quang cảnh đẹp, tĩnh mịch 
 
Là một người ưa thích trồng các loại cây ăn trái, Đức cha đem các giống xoài về trồng chung quanh nhà nghỉ mát, nhà nguyện, rồi cho trồng khắp vùng Chí Hòa. Sau này, người ta còn thấy nhiều gốc xoài rất lớn 50-60 năm tuổi xung quanh nhà thờ Chí Hòa ( theo tư liệu của ông Lêô Nguyễn Văn Quý, thư ký Tòa Giám mục Sài Gòn)

Thuở ấy, một vùng rộng lớn từ Chí Hòa, Hòa Hưng vòng lên đến Phú Nhuận là vùng hoang vắng, người ta trồng cây ăn trái. Khu vực ngày nay dân gian gọi là “Lăng Cha Cả” ngày xưa um tùm rừng mít, rừng xoài, dân gian gọi vùng trồng xoài rộng lớn là “Vười Xoài”những nơi gò cao cũng trồng xoài gọi là “Gò Xoài”.
 Địa danh Vườn Xoài xuất hiện và tham dự vào lịch sử Giáo hội kể từ đó

 

Giáo Điểm “Vườn Xoài Sở Rác” 

 
1/ Xuất xứ tên gọi “ Vườn Xoài Sở Rác”
Giai đoạn 1946 -1947 là thời chiến tranh, người lao động sống chen chúc ở vùng ven đô, như vùng Vườn Xoài, Gò Xoài, Chí Hòa, ở ven kênh Nhiêu Lộc, chạy đến xuống vùng Lăng Cha Cả. Trong đám lưu dân này có người Công Giáo, sống đông đúc ở vùng Chí Hòa, còn lại rải rác ở vùng Vười Xoài. Vùng này lúc bấy giờ hoang vu, um tùm lau lách cỏ dại, lạch nước quanh co gò nỗng. Đô thành Sài Gòn Gia Định dùng làm bãi rác, do đó được gọi là vùng “ Vườn Xoài Sở Rác”.


Trên vùng đất “Vườn Xoài Sở Rác” vào năm 1947, là vùng hoang vắng đồng không mông quạnh, quanh vùng rộng lớn “Vườn Xoài Sở Rác” nổi bật lên cao nhất là Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Trên vùng đất ấy, sinh sống vài chục gia đình Công Giáo lều tranh vách ván lụp xụp, họ sinh sống bằng nghề lượm rác, ve chai hoặc chăn nuôi bò
 
2/ Đức Giám mục Sài Gòn Jean Cassaigne thành lập “Giáo Điểm Vườn Xoài Sở Rác”
 
Số người có đạo gồm những dân phiêu cư. Cũng có những giáo dân ở họ đạo Chí Hòa. Bấy giờ, linh mục Anrê Nguyễn Văn Đại, cha sở họ đạo Phú Nhuận, quan tâm giúp đỡ mục vụ cho nhóm giáo dân ở “Vườn Xoài Sở Rác”. Đồng thời linh mục Giuse Phạm Văn Thiên, cha sở họ Chí Hòa, cũng quan tâm vì trong nhóm giáo dân này có một số vốn thuộc họ Chí Hòa. 

 
Cha Giuse Phạm Văn Thiên bàn xin Đức Cha Sài Gòn cho lập một giáo điểm tại Vườn Xoài Sở Rác. Đức cha Jean Cassaigne, Giám mục Tổng Tòa Giáo Phận Sài Gòn, chấp thuận lập giáo điểm và ủy thác linh mục Anrê Nguyễn Văn Đại lãnh nhiệm thành lập và chăm sóc mục vụ cho giáo hữu.Giáo điểm được gọi tên: “Giáo Điểm Vườn Xoài Sở Rác”.Tên gọi này được dùng trên giấy tờ sổ sách của giáo điểm, trong sổ rửa tội và trong dấu mộc một thời gian khá dài. 
 
Giấy chứng Rửa tội và dấu mộc của họ "Vườn Xoài Sở Rác"
 
GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
I. Tính chất cơ bản
   1. Vai trò của Ban Hành Giáo trước :
Khi còn là giáo điểm, Vườn Xoài đã có “Ban Điều Hành giáo điểm”. Tuy nhiên ngày ấy chưa có cái tên gọi “Ban Điều Hành”. Ngày nay, trong số các giáo dân tham gia “Ban Hành Giáo” chỉ còn nhớ tên hai ông Đinh Văn Thọ và Vũ Văn Học. Năm 1955 – 1956, Cha Giáo Nicola Huỳnh Văn Nghi ở Tiểu Chủng Viện về giúp có lập “Ban chức việc” còn nhớ có các ông Đinh Quang Lượng, Nguyễn Phú Thọ, …Trong thời kỳ này đã có “Ban chức việc” để phụ giúp Cha Sở điều hành giáo xứ về phụng vụ và hành chánh, còn tài sản – tài chánh do Cha Sở tự quản lý.

   2. Vai trò của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ :
Công Đồng Vaticanô II (năm 1965) nhìn nhận giá trị và đánh giá cao vai trò vị trí của giáo dân trong Giáo Hội. nhưng vai trò vị trí của giáo dân trong việc điều hành giáo xứ chưa thật sự được nhiều nơi chấp nhận. Năm 1980, Cha Phêrô Phan Khắc Từ thành lập Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ lâm thời mang tính thử nghiệm. Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ gồm những tín hữu được tín nhiệm trong 9 Khu Giáo tiến cử vào 9 Ban Điều Hành 9 Khu Giáo. Mỗi Ban Điều Hành Khu Giáo bầu chọn một vị tham gia Ban Thường Vụ/ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Ban Thường Vụ bỏ phiếu bầu chọn người tín nhiệm giữ chức vụ Trưởng, Phó Ban có nhiệm vụ thay mặt Cha Chánh Xứ quản lý mọi thu chi tài chánh cũng như tài sản trong giáo xứ với sự giám sát của Ban Kiểm Soát Tài Sản cũng là những thành viên được bầu chọn.

   3. Hệ thống dân chủ :
Năm 1981, Cha Phêrô Phan Khắc Từ quyết định thành lập hệ thống điều hành cơ sở gồm 10 Khu Giáo. Các Khu Giáo được đặt tên theo Thánh danh vị Thánh được chọn làm Bổn Mạng Khu Giáo gồm : Khu Giáo Thánh Mẫu, Khu Giáo Thánh Linh, Khu Giáo Thánh Tùy, Khu Giáo Thánh Giuse, Khu Giáo Thánh Đê, Khu Giáo Thánh Gẫm, Khu Giáo Thánh Gioan, Khu Giáo Thánh Mỹ, Khu Giáo Thánh Minh, Khu Giáo Thánh Tịnh. Tùy theo số hộ giáo dân mà có số người được chọn tham gia Ban Điều Hành.

   4. Cơ cấu dân chủ :
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ gồm những người được giáo dân giới thiệu tham gia bầu cử tại Khu Giáo. Những người được chọn là những người được tín nhiệm có số phiếu cao nhất. Ban Điều Hành tiếp tục bầu chọn Trưởng, Phó Khu và các chức danh khác cùng một người dự kiến giới thiệu tham gia Ban Thường Vụ. Mười người do 10 Khu Giáo giới thiệu tiếp tục bầu chọn chức danh Trưởng Phó Ban Thường Vụ còn gọi là Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. các chức danh còn lại được tín nhiệm phân công. Ban Thường Vụ/ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ thay mặt Cha Sở điều hành quản lý mọi sinh hoạt thu chi tài chánh tài sản có sự giám sát của Ban Kiểm Soát Tài Sản do Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ giới thiệu ứng cử và bầu chọn. Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ chính thức Khóa 1 ra mắt ngày 01.09.1981, ngày Lễ Kính Các Chân Phước Tử Đạo Việt Nam, gồm 68 thành viên có nhiệm kỳ ba năm. Không kể nhiệm kỳ lâm thời ra mắt ngày 01.09.1980 với 53 thành viên. Ban Thường Vụ/ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ có 9 vị do 9 Khu Giáo để cử do ông Phêrô Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Ban, Ông Antôn Phạm Văn Song và ông Phaolô Lê Văn Thi, Phó Ban.

II. Các khóa Hội đồng mục vụ chính thức
Kể từ năm 1981 đến nay (2009) chính thức có 8 nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ.
Khóa 1 : Nhiệm kỳ 3 năm (1981 – 1984). 
Khóa 2 : Nhiệm kỳ 3 năm (1984 – 1987). 
Khóa 3 : Nhiệm kỳ 3 năm (1987 – 1990). 
Khóa 4 : Nhiệm kỳ 3 năm (1990 – 1993). 
Khóa 5 : Nhiệm kỳ 4 năm (1993 – 1997). 
Khóa 6 : Nhiệm kỳ 5 năm (1997 – 2002) (lưu nhiệm 1 năm). 
Khóa 7 : Nhiệm kỳ 4 năm (2002 – 2006). 
Khóa 8 : Nhiệm kỳ 4 năm (2006 – 2010).


 III. Quá trình xây dựng cơ sở vật chất nhà thờ Vườn Xoài
      1. Tâm sự chủ chăn :
“Do nhiều hoàn cảnh, Giáo Xứ Vườn Xoài là một giáo xứ có nhiều nét độc đáo, đã từng tập họp nhiều linh mục trí thức từ Châu Âu trở về và hưởng ứng mạnh mẽ Công Đồng chung Vaticanô II, nhưng đoàn chiên lại phân tán, ngôi Thánh Đường mái tôn cứ tồn tại mãi, nên khi được bài sai về Giáo Xứ Vườn Xoài vào ngày 10.05.1980, tôi nhận thấy hai công việc thiết yếu đối với cộng đoàn này là xây dựng sự hiệp nhất và xây dựng ngôi Thánh Đường.
Từ năm 1962 – 1963, tôi được về giúp Giáo Xứ Vườn Xoài sống chung với một số linh mục vừa từ bên Pháp về, cùng với Công Đồng chung Vaticanô II khai mạc, tôi như được tăng thêm sinh lực và có lẽ từ đó tôi đã có một định hướng cho cuộc đời linh mục của riêng mình. Năm 1968, sau khi thụ phong linh mục, tôi lại được bài sai về làm Phó Xứ Vườn Xoài và ít lâu sau được bổ nhiệm là Tuyên úy Thanh Lao Công Địa Phận. việc dấn thân với người nghèo và người lao động mỗi ngày càng thêm sâu sắc.
Trước một khúc quanh của đất nước, người giáo dân ở đây còn bao băn khoăn lo lắng, tôi vẫn được coi là con người hiền từ, nhưng nay xem chừng đã quá “nhuộm đỏ”. Chắc có nhiều người suy nghĩ tương lai giáo xứ sẽ trở về đâu.
Tôi đã liên kết với các anh em linh mục tại chỗ : Cha Phanxicô Xavie Trần Xuân Lai, Cha Phêrô Nguyễn Đức Chính, Cha em Phêrô Hoàng Văn Thiên mà tôi bảo lãnh về để cùng xây dựng cộng đoàn giáo xứ. Trước hết, chúng tôi sống tinh thần huynh đệ linh mục, chia sẻ mọi công việc của giáo xứ, rồi chúng tôi tổ chức chuẩn bị Lễ Chúa Nhật, hằng ngày, chuẩn bị nội dung bài giảng có một số linh mục Tu Sĩ giáo dân khác cùng đến dự. Để xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất và đáp ứng được nhu cầu Truyền Giáo, chúng tôi thấy cần xây dựng ngay một Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Giáo Xứ Vườn Xoài trải dài trên ba Phường của Quận 3 và ba Phường của Quận Phú Nhuận. Khác Giáo Xứ Bùi Phát, giáo dân tập trung rất đông trên một mảnh đất hẹp, còn Giáo Xứ Vườn Xoài, giáo dân sống xen kẽ, có khi cả mấy chục gia đình lương mới có một gia đình Công Giáo. Nội quy Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ quy định cứ 20 – 25 gia đình cử một vị đại diện, để chịu trách nhiệm và quy tụ các giáo dân của mình. Giáo Xứ Vườn Xoài có 10 Khu Giáo, mỗi Khu Giáo có một Ban Đại Diện từ 5 – 9 thành viên. Thành viên của 10 Khu Giáo họp lại thành Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ lâm thời ra mắt giáo xứ vào Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 1980 với 53 thành viên, rồi 72 thành viên ở nhiệm kỳ khóa 8 như hiện nay. Nội quy cho phép Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ được thảo luận dân chủ, được tranh luận và cuối cùng sẽ biểu quyết theo đa số. nội quy cũng cho phép linh mục Chánh Xứ được quyết định tối hậu, không cần tham khảo ý kiến của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, nhưng rất ít khi linh mục Chánh Xứ sử dụng quyền này, thường xuyên là thuyết phục và nhiều khi linh mục Chánh Xứ chấp nhận “thua” để biểu quyết của tập thể được tôn trọng. Trong điều hành, tôi có cảm nghiệm chính lúc mình chấp nhận “thua” lại là lúc thắng lớn”.
Một đặc điểm nữa của Giáo Xứ Vườn Xoài là tài chánh công khai và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ quản lý toàn bộ tài sản và tài chánh của giáo xứ. Ban Thường Vụ/ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, có Kế Toán, có Thủ Quỹ, có Ban Kiểm Soát Tài Sản có quyền kiểm tra thường xuyên và bất thường, nên mọi nguồn thu chi đều rất rành mạch.
Các linh mục phục vụ tại Giáo Xứ Vườn Xoài được lo lắng chu đáo về ăn ở, chữa bệnh, … Về việc xin lễ, giáo dân đến văn phòng giáo xứ xin ghi ý lễ rồi bỏ tiền vào thùng. Cuối năm, giáo xứ tổng kết tiền dâng cúng theo nội quy rồi trích 10% nộp về Tòa Tổng Giám Mục.
Xây dựng sự hiệp nhất vẫn là ưu tiên số một. Chúng tôi vẫn nói với nhau là phải xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, cầu nguyện và chứng tá. Có được điều đó mới có thể làm được mọi sự. Nỗi bức xúc hết sức lớn của Giáo Xứ Vườn Xoài là cần có một ngôi Thánh Đường khiêm tốn làm nơi quy tụ cộng đoàn. Từ năm 1962, khi tôi về giúp xứ ở Giáo Xứ Vườn Xoài, thì trên mái nhà thờ băng tôn đã có một tấm bảng lớn : Năm nay sẽ khởi công xây dựng Thánh Đường. Rồi đầu những năm 1970 thì đã làm lễ đặt viên đá, rồi khai móng, nhưng đều không xong. Rồi năm 1975 xảy tới, Giáo Xứ Vườn Xoài như mang một nỗi hận, khi viết đơn xin làm nhà thờ, thì anh Mai Chí Thọ, lúc đó làm Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, đã hai lần về để quan sát, có lần anh băn khoăn nói, hay là tôi cứ cấp phép sửa chữa. Tôi nói, nhưng hiện trạng nhà thờ đang nằm trên lộ giới, thế là sau đó ít ngày tôi có giấy phép xây dựng. Giáo Xứ Vườn Xoài có phép xây dựng nhà thờ vào cuối năm 1980 làm nức lòng không phải chỉ giáo dân Vườn Xoài, mà có lẽ cả giới Công Giáo và các giáo xứ lân cận đều xin đào một chân cột. Đây quả là ngôi nhà thờ mới đầu tiên sau giải phóng, loan báo một chính sách rộng mở sau này.
Năm 1993, nhân kỷ niệm 25 năm Linh Mục của tôi, Giáo Xứ Vườn Xoài đã cho xây dựng khu nhà xứ và năm 1995, Giáo Xứ Vườn Xoài đã dành một phòng lớn trên lầu hai làm nhà nguyện cho Cộng Đoàn Công Giáo Hàn Quốc và sau này Cộng Đoàn Công Giáo Philippin và những người nói tiếng Anh đến sinh hoạt. Nhờ đó, thêm nhiều vị Hồng Y, Giám Mục, Tu Sĩ, Nghị Sĩ, quan chức Công Giáo các nước khi đến Việt Nam đã đến với Giáo Xứ Vườn Xoài, cũng từ đó nhiều hoạt động của người Công Giáo nước ngoài được phối hợp tổ chức, nhiều hoạt động mang tính đại kết với anh em Tin Lành được mở ra khiến mặt bằng Giáo Xứ Vườn Xoài trở nên chật chội.
Năm 1997, khi kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Xứ Vườn Xoài, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và các Linh Mục phụ trách đã quyết định phá nhà thờ cũ, đào thêm một cái hầm lòng nhà thờ, nâng thêm hành lang chung quanh, tăng sức chứa của nhà thờ gấp đôi. Đồng thời, xây dựng tháp chuông và tượng đài Đức Mẹ Lavang thỏa mãn nguyện vọng của cộng đoàn dân Chúa muốn tôn sùng Đức Mẹ Lavang cách đặc biệt và phía hầm tượng đài là một nhà tang lễ. Thế là từ đó, Giáo Xứ Vườn Xoài được đón tiếp nhiều người, người có hoàn cảnh đặc biệt về tổ chức tang lễ, người nước ngoài, Việt Kiều, người ở chung cư, người nghèo trong Giáo Xứ Vườn Xoài và nhất là người bị nhiễm HIV/AIDS chết không thân nhân, neo đơn đã được giúp đỡ theo Chúa vào giây phút cuối của cuộc đời. Lắm lúc việc tổ chức tang lễ cho những người bị nhiễm AIDS cứ dồn dập, mà ra tay lòng quảng đại của giáo dân tại đây vẫn bao bọc được hết.
Với lượng hoạt động đa dạng, tấp nập như thế ở một mặt bằng nhỏ như Giáo Xứ Vườn Xoài, tôi càng ý thức phải củng cố Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và các nhóm Đạo Đức luôn hiệp nhất, yêu thương và chứng tá và tôi thấy lòng nhiệt thành và khả năng của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, các nhóm Đạo Đức và giáo dân còn lớn lắm. Là mục tử trên một địa bàn cụ thể suốt 25 năm qua, tôi thấy mình vẫn chưa huy động hết tiềm năng và lòng nhiệt thành cho công việc tông đồ.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm về phục vụ Giáo Xứ Vườn Xoài, tôi muốn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, tri ân các Đấng Bề Trên, nhất là Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã tín nhiệm cho tôi làm Mục Vụ và nhiều hoạt động khác tại đây và đã vượt qua nhiều sóng gió. Các thầy và các bạn của tôi biết tôi chỉ là một đứa nhút nhát, thế mà tôi lại có một ơn gọi đặc biệt yêu mến nó, vì hầu như Chúa đã chọn tôi đặc biệt cho nó. Nhưng nay tôi đã tuổi 67, nhiều bạn bè đạo đức tài năng hơn tôi đã vĩnh viễn ra đi, một số đang đau ốm hoặc về hưu. Được như thế này là một đặc ân quá lớn lao. Dầu đã 25 năm làm Chánh Xứ Vườn Xoài và hơn 40 năm gắn bó với giáo xứ này, tôi vẫn còn được bà con giáo dân ở đây cũng yêu mến chăm sóc cách đặc biệt.”
(Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ, nguyên chánh xứ giáo xứ Vườn Xoài).

    2. Hai mươi lăm năm nhìn lại : 
Giáo Xứ Vườn Xoài đã đề ra tôn chỉ là cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương. Chính nhờ tinh thần hiệp nhất ấy mà giáo xứ đã chọn ra ngày 01.11.1981, Lễ Các Thánh Nam Nữ, để khởi công đào 49 móng cột với diện tích 640 m2, có thể chứa được 600 người dự lễ. Trong ngày khởi công, đa số móng được phân chia cho các Khu Giáo đảm trách, số còn lại cho các giáo xứ bạn.
Ngày Chúa Nhật 15.11.1981, với lời kêu gọi của Cha Sở và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, đã có 18 họ đạo cùng ra quân một ngày để tham gia việc đào chân móng. Đó là các Giáo Xứ Bùi Phát, Tân Định, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Dòng Chúa Cứu Thế), Phú Nhuận, Bà Chiểu, Thánh Tịnh, Đaminh, Tân Sa Châu, Mẫu Tâm, Chí Hòa, Tân Chí Linh, Vinh Sơn, An Lạc. Ngoài ra, còn có các Dòng Tu ở trong địa bàn giáo xứ cũng tham gia tích cực, với những giọt mồ hôi kèm theo tiếng cười. Đặc biệt ngày 10.01.1982 là ngày đổ bê tông mái hiên, giáo xứ đã có số lượng rất đông giáo dân đến làm, và càng lúc càng đông. Vì thế, ban xây cất và các Kiến Trúc Sư Nguyễn Như Bá, Nguyễn Như Hà (Phật Giáo) đã khóa cổng để không tiếp nhận thêm giáo dân đến góp công vì sợ xảy ra sự mất an toàn.
Sau 5 tháng khẩn trương thi công, kiến trúc đã được thượng vì kèo đầu tiên vào ngày 03.04.1981, có Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Cha Alôsiô Phạm Văn Nẫm cùng Cha Sở quay vì kèo trong tiếng pháo với tiếng hò reo lẫn chuông trống của toàn thể giáo dân.
Việc đáng nói ở đây, khi thực hiện xây cất Thánh Đường, là được sự hưởng ứng của mọi thành phần, kể cả người ngoài giáo xứ. Người không cùng Tôn Giáo cũng đóng góp nữa. Riêng trong họ đạo Vườn Xoài, người thì xin đóng góp một cây cột, dâng một vì kèo, tặng một bàn thờ, những chặng đàng Thánh Giá, hệ thống quạt, những hàng ghế, … Khi công trình xây cất Thánh Đường hoàn tất, giáo xứ tổ chức lễ khánh thành vào hai ngày : Ngày 31.12.1983 dành cho quan khách và chính quyền, do Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ tế, và ngày 01.01.1983 dành cho giáo dân Vườn Xoài, do Đức Giám Mục Phụ Tá Alôsiô Phạm Văn Nẫm chủ tế.
Với công trình này, chúng ta có thể nói đây là ngôi Thánh Đường đầu tiên trong chế độ mới, nên giáo xứ này đã được giáo quyền quan tâm, điển hình là Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn và Đức Giám Mục Huỳnh Văn Nghi đến thăm ngôi Thánh Đường này hai lần. Ngoài ra, còn có các Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm, Đức Cha Bùi Tuần và nhiều Cha Bề Trên Dòng cũng đến thăm nữa. Đặc biệt, Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh còn hỗ trợ một phần tài chánh cho công trình xây cất này. Chúng ta có thể khẳng định rằng khi khởi công xây dựng Thánh Đường, hầu như giáo xứ chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng nhờ vào lòng quảng đại của nhiều người mà giáo xứ đã hoàn thành được ngôi Thánh Đường không mấy khó khăn. Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 25 năm xây cất Thánh Đường, giáo xứ muốn nói lên lòng biết ơn đối với tất cả mọi người đã có công đóng góp cho giáo xứ.
 

 
Theo Kỷ Yếu giáo xứ Vườn Xoài, năm 2005