25/03/2017
878
NGƯỜI CÔNG GIÁO NGHĨ VỀ VỈA HÈ
Thời gian gần đây, người dân rất quan tâm đến chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Thấm nhuần tinh thần vị tha nhân, công bằng, biết hy sinh lợi ích vì người khác, phần đông người Công giáo có vẻ đồng tình với chủ trương trên.
KIÊN TRÌ THỰC HIỆN ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN
Lm. Đaminh Đinh Ngọc Lễ - chánh xứ Hà Nội, TGP.TPHCM: Tôi thấy chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ rất tốt, thuận lòng dân, phù hợp với xử thế văn minh của thời đại. Vì thế, đừng chỉ xem công việc này như một phong trào mà nên cố gắng kiên trì thực hiện cho đến nơi đến chốn. Đồng thời phải làm sao phổ biến rộng khắp cả thành phố, kể cả các quận huyện ven đô và ngoại ô. Tuy nhiên, trong khi thực hiện chủ trương này cũng nên quan tâm đến đời sống của những người nghèo, cho họ lối thoát, bằng cách tạo mặt bằng để họ kiếm sống. Với tư cách là linh mục chánh xứ, tôi cố gắng giải thích cho giáo dân hiểu được nét tích cực của vấn đề, động viên họ cộng tác với chính quyền địa phương thực hiện việc tháo bảng hiệu, mái chắn... để đường phố được thông thoáng tránh cản trở người đi bộ. Giáo xứ Hà Nội tuy sát đường Thống Nhất (Gò Vấp) nhưng lại ở trên lầu, vì thế trong các giờ lễ không có chuyện giáo dân đứng tràn ra ngoài đường. Tôi và HĐMVGX luôn nhắc nhở giáo dân tôn trọng luật giao thông, nhất là những dịp đại lễ. Đối với những hộ kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, chúng tôi cũng luôn bảo ban, giải thích trong nhà thờ và nếu cần đi tới các gia đình động viên, trao đổi, đề nghị phương cách chấn chỉnh, tháo dỡ làm sao để vừa duy trì việc kinh doanh buôn bán, vừa không lấn chiếm vỉa hè. Thái độ cần có của người Công giáo là tôn trọng pháp luật và người thi hành pháp luật, không xả rác và nước bẩn ra ngoài đường, động viên nhau quét dọn đường phố vỉa hè;  tôn trọng luật giao thông, nghe theo sự hướng dẫn của cảnh sát giao thông, không vượt đèn đỏ, không đi lên vỉa hè, không chạy quá tốc độ, cười nói to tiếng gây mất trật tự.
ĐỂ BỘ MẶT HỌ ĐẠO THÊM ĐẸP
Chị Nguyễn Bảo Trân (Gx Vườn Xoài - TGP.TPHCM): Việc lập lại trật tự lề đường gây ra nhiều ý kiến trái chiều, vì bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần có thời gian để đi vào ổn định.  Riêng cá nhân tôi thì cho rằng mỗi người cần đặt sự an toàn của người đi bộ lên trên hết, như thế là chúng ta thể hiện tinh thần yêu thương mọi người cách cụ thể. Tại nhiều xứ đạo, do khuôn viên có hạn nên mỗi ngày lễ Chúa nhật hay khi có lễ lớn thì lại có nhiều người đứng ngay tại lề đường tham dự, gây ra sự bất tiện trong giao thông qua khu vực đó. Giáo xứ cần quan tâm tìm biện pháp thích hợp để giải quyết vấn đề này. Đồng thời mỗi người Kitô hữu cũng phải có ý thức hơn khi tham dự thánh lễ, để khuôn mặt họ đạo thêm đẹp, và quan trọng hơn, để hình ảnh người Công giáo không bị nhạt đi do vô tình làm cản trở đi lại của người khác.
VÔ TÌNH TẠO THÓI QUEN XẤU
Anh Trần Hoàng Kha (Gx Chánh tòa - GP Xuân Lộc): Khi các em học sinh tiểu học, trung học chuẩn bị ra về cũng là lúc các phụ huynh thường tập trung rất đông hai bên vỉa hè trước sân trường để chờ rước con. Thời gian đó lại trùng vào giờ tan tầm, xe cộ đông đúc, người đi lại cũng nhiều, điều đó cản trở đến lưu thông. Người đi xe máy phải rất khó khăn để di chuyển và ngay cả người đi bộ trên vỉa hè cũng khó khăn vì bị lấn chiếm. Tình trạng này thường xảy ra ở các trường học khu vực nội thành đông dân cư. Sự vô ý thức này đôi khi tạo thành thói quen xấu cho trẻ nhỏ. Nhà trường và các bậc cha mẹ cần xem lại vấn đề này để tìm cách khắc phục.
CẦN GIÁO DỤC NGAY TỪ ĐẦU
Anh Nguyễn Văn Cường (Gx Hạnh Thông Tây - TGP. TPHCM): Hằng ngày chạy xe trên đường, mỗi khi gặp đoạn bị kẹt tôi lại thấy có nhiều người chạy lấn lên vỉa hè, người đi bộ phải e ngại và nhường đường cho họ. Hình ảnh ấy quá nhiều và diễn ra thường ngày khiến người ta xem nó như bình thường và cứ thế làm theo. Phải chăng chúng ta làm theo quán tính, làm theo những gì mà người đi phía trước làm với tâm lý người ta làm được thì mình cũng làm được? Việc thay đổi cách nghĩ con người rất khó diễn ra nhanh chóng, nhưng nếu có sự giáo dục đúng đắn ngay từ những buổi đầu của gia đình, của giáo xứ dành cho thế hệ nhỏ, chắc rằng trong tương lai tình trạng trên sẽ dần dần bị xóa bỏ.
TẠO CƠ HỘI KHÁC
Chị Nguyễn Hà Thanh Xuân (Gx Tân Hòa - GP Ban Mê Thuột): Nên có sự văn minh đường phố, giữ gìn vỉa hè, tạo mỹ quan đô thị. Song, cần quy hoạch cho những người buôn bán vỉa hè một nơi khác để họ kiếm sống, nhất là những người nghèo vì họ rất cần. Có thể, họ sẽ bị mất đi nguồn thu nhập chính lo cho gia đình và trở thành một nạn nhân do sự thiếu thấu đáo trong cách giải quyết vấn đề. Việc cần làm không phải là ngăn cản hay cấm đoán mà là tạo một cơ hội khác để người nghèo có thể bớt đi gánh nặng mưu sinh. Đó là điều quan trọng và khó hơn việc dọn dẹp, “lấy lại” vỉa hè.
THỂ HIỆN SỰ CÔNG BẰNG
Ông Trương Hùng Hổ (Gx Mân Côi - TGP.TPHCM) : Nhờ vào lợi thế vị trí nhà nằm trên đường lớn mà gia đình tôi đã mở được một quán nước nhỏ để có thêm thu nhập. Dù tình hình buôn bán khá tốt nhưng đã nhiều năm nay chúng tôi vẫn không mở rộng phạm vi kinh doanh vì hiểu đó là điều không được cho phép. Khuôn viên quán nhỏ đôi khi khiến khách hàng cảm thấy bất tiện nên chúng tôi lựa chọn phương thức bán mang đi để khắc phục nhược điểm đó. Tôi nghĩ rằng mỗi người, mỗi nhà đều cần có ý thúc về sự tôn trọng đối với những gì là của công, không xâm lấn hay chiếm dụng nó vì ích lợi riêng cá nhân mình. Điều này cũng thể hiện sự công bằng đối với tha nhân mà đạo mình dạy.
 
Nguồn: Báo Công Giáo và Dân tộc