01/09/2015
3481
Mấy tuổi mới được rước lễ lần đầu?
Theo điều 914 bộ giáo luật hiện hành, cha mẹ và cha sở có bổn phận chuẩn bị cho các trẻ em đã đến tuổi khôn được lãnh bí tích Thánh Thể. Thế nào là đến tuổi khôn? Có được cho phép các trẻ em rước lễ trước khi đến tuổi khôn không?
 
Liên quan đến việc rước lễ của các nhi đồng, điều 914 của bộ giáo luật đặt ra nhiều nghĩa vụ dành cho các thành phần khác nhau trong Giáo hội: có nghĩa vụ dành cho phụ huynh; có nghĩa vụ dành cho cha sở. Có nghĩa vụ nhắm đến việc chuẩn bị giáo lý, có nghĩa vụ nhắm đến việc chuẩn bị bí tích, có nghĩa vụ dành việc canh chừng. Chúng ta sẽ lần lượt đi từng điểm một.
 
Xin bắt đầu bằng câu hỏi đơn giản hơn cả: các em bé phải được mấy tuổi thì được rước lễ lần đầu?
 
Câu hỏi này không đơn giản chút nào, bởi vì kỷ luật về việc cho các trẻ em được rước lễ đã thay đổi nhiều trải qua lịch sử. Vào những thế kỷ đầu tiên, các trẻ em được rước lễ vào lúc được rửa tội. Kỷ luật này vẫn còn được duy trì bên các Giáo hội Đông phương, nơi mà cả ba bí tích khai tâm được trao ban một lúc: rửa tội - thêm sức - Thánh Thể, bất kể là người lớn hay thơ nhi. Dĩ nhiên là cách thức trao bí tích có nhiều chi tiết khác biệt giữa người lớn và nhi đồng. Người lớn phải trải qua một thời gian huấn giáo lâu dài (quen gọi là dự tòng) trước khi lãnh bí tích; còn các em bé thì sẽ được học hỏi giáo lý khi nào khôn lớn. Dù sao, ở đây tôi không muốn đi sâu vào sự khác biệt về huấn giáo, nhưng chỉ muốn nêu bật sự khác biệt về cách thức nhận lãnh bí tích Thánh Thể. Các em bé sẽ không lãnh Mình Thánh Chúa dưới hình bánh, bởi vì chưa có thể ăn uống gì được; nhưng linh mục chỉ nhúng ngón tay mình vào chén Máu Thánh rồi sau đó chấm vào lưỡi các em.

Từ hồi nào, các trẻ em không còn được rước lễ vào lúc rửa tội nữa?
 
Cần lặp lại là bên Đông phương (cách riêng là các Giáo hội Chính thống), các trẻ em vẫn còn lãnh ba bí tích khai tâm một lúc. Kỷ luật bên Tây phương thì thay đổi khá nhiều, tuy khó xác định năm tháng. Người ta chỉ có phỏng đoán những hướng tiến triển như thế này. Vào thời các giáo phụ, các trẻ em được rước lễ rất sớm, đặc biệt là những em sắp chết, bởi vì người ta dựa vào tư tưởng của thánh Augustinô về sự cần thiết của bí tích Thánh Thể để được cứu rỗi dựa theo chú giải chặt chẽ đoạn Phúc âm thánh Gioan 6,54: “Ai ăn bánh này thì được sống muôn đời”. Tuy nhiên từ thế kỷ XI, người ta thấy việc rước lễ bị giới hạn cho người lớn (kể cả cho các tu sĩ): họ không được rước Máu Thánh Chúa; họ không được lãnh Mình Thánh trên tay nhưng được đút thẳng vào miệng, và nhất là họ rất ít khi rước lễ. Như tôi đã có lần nói đến, công đồng Latêranô IV (năm 1215) đã đặt ra nghĩa vụ phải rước lễ ít là mỗi năm một lần, nhằm phản ứng lại não trạng đó. Đối với Mình Thánh Chúa, người ta chủ trương phải cung kính thờ lạy từ xa xa, chứ không dám đến gần để nhận lãnh như lương thực tinh thần. Chính trong não trạng này mà việc trao Mình Thánh Chúa cho các trẻ em cũng bị ảnh hưởng. Trước kia, người ta chủ trương rằng bí tích này cần để được cứu rỗi (cũng tựa như bí tích rửa tội) và chỉ cần giữ linh hồn trong trắng là đủ để lãnh bí tích. Trong bối cảnh của thế kỷ XI-XII, thì người ta đòi hỏi không những là linh hồn trong trắng mà còn phải có đức tin, lòng mến, và ý thức; có như thế bí tích mới phát sinh hoa trái cho người nhận lãnh. Vì thế, thật là dễ hiểu lý do hoãn lại việc trao Mình Thánh cho các em bé. Vào thế kỷ XIII, nhiều công đồng địa phương đã ra quyết định cấm trao Mình Thánh cho các em. Quyết định ngăn cấm cũng kèm theo một nghĩa vụ mới, đó là buộc các em bé phải theo học lớp giáo lý thì mới được rước lễ.
 
Như vậy thì mấy tuổi mới được rước lễ lần đầu?
 
Các sử gia nhận thấy trong vấn đề này có nhiều người bảo hoàng hơn nhà vua. Công đồng Latêranô IV (năm 1215) chỉ đòi các em có tuổi khôn là có thể rước lễ; nhưng trên thực tế, người ta đòi tuổi cao hơn: từ 10, 12 và thậm chí 14 tuổi. Vào thời cận đại, thánh Anphongsô cho rằng tuổi để rước lễ vỡ lòng là trong khoảng từ 9 cho đến 14 tuổi. Như vậy ta thấy có sự co dãn khá lớn. Dù sao, nói chung trong những thế kỷ gần đây, tuổi để được rước lễ lần đầu là 12 tuổi. Một điều đáng lưu ý là trong khi người ta tăng thêm tuổi để được rước lễ vỡ lòng, nhưng vẫn duy trì mức tuổi khôn trong việc xưng tội lần đầu. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ thánh Têrêxa Lisieux thì đủ rõ. Cô bé này (sinh ngày 2/1/1873) đã xưng tội lần đầu vào muà đông năm 1879 (nghĩa là lúc sắp lên 7 tuổi), nhưng phải chờ đến ngày 8/5/1884 (11 năm 4 tháng) thì mới được rước lễ vỡ lòng. Lần rước lễ thứ hai diễn ra ngày 24/5 (hai tuần sau), và lần thứ ba ngày 14/6 trùng với ngày lãnh bí tích thêm sức.
 
Nhưng ngày nay các em bé đâu phải chờ đến 12 tuổi mới được rước lễ lần đầu?
 
Liên quan đến việc rước lễ, cần phải ghi nhận vài biện pháp của Toà thánh hồi đầu thế kỷ XX, làm thay đổi một não trạng kéo dài từ nhiều thế kỷ. Tôi muốn lưu ý cách riêng đến hai văn kiện được ban hành dưới thời đức thánh cha Piô X. Văn kiện thứ nhất là nghị định Sacra Tridentina Synodus do bộ Công đồng (nay là bộ Giáo sĩ) ban hành ngày 20/12/1905 khuyến khích việc rước lễ thường xuyên, kể cả rước lễ hàng ngày (chứ không chỉ một năm một lần đối với giáo dân, và một năm 14 lần đối với tu sĩ). Văn kiện thứ hai là nghị định Quam singulari do bộ Bí tích (nay là bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích) ban hành ngày 8/8/1910 về việc rước lễ vỡ lòng. Đúng ra, đối với vấn đề rước lễ vỡ lòng, văn kiện này không ra quyết nghị nào mới, mà chỉ lặp lại công đồng Latêranô IV (năm 1215) và công đồng Trentô (năm 1551), cho phép trẻ em được rước lễ khi đến tuổi khôn, chứ không nên kéo dài cho đến 12-14 tuổi.

Thế nào là đến tuổi khôn?

“Tuổi khôn” là một từ ngữ khá co dãn. Các cháu của tôi ngày nay khôn hơn tôi khi ở cùng trạc tuổi, nếu hiểu về việc sử dụng các trò chơi điện tử (trong đó gồm cả việc sử dụng video và internet). Nhưng nếu bắt chúng cầm giấy bút để làm các bài tính cộng trừ nhân chia, thì chắc chắn là chúng chậm hơn tôi. Vì thế vấn đề “tuổi khôn” cần được xét theo từng lãnh vực cụ thể. Chúng ta đang bàn đến việc rước Mình Thánh Chúa, vì thế tiêu chuẩn “tuổi khôn” được các nhà thần học cổ điển nêu ra như thế này: các em có phân biệt được bánh thánh thì khác với các thứ bánh kẹo hay không? Khi đi nhà thờ, các em có tin Chúa hiện diện cách đặc biệt, và vì thế có tỏ lòng cung kính khi tham dự Thánh lễ không? Cha mẹ và cha sở là những người gần gũi các em hơn cả, và những người có thẩm quyền hơn hết để thẩm định cho từng cá nhân. Có thể có em đã đạt được ý thức về bí tích từ 4-5 tuổi, nhưng cũng có thể là có em cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
 
Ai có bổn phận chuẩn bị?
 
Bây giờ chúng ta trở lại với điều 914 của bộ giáo luật. Nhà lập pháp liệt kê những người có trách nhiệm chuẩn bị cho các em rước lễ theo thứ tự sau đây: cha mẹ hoặc những người thay quyền cha mẹ; rồi đến cha sở. Dĩ nhiên, việc phân phối trách nhiệm cũng bao hàm việc phân chia lãnh vực nữa. Thường thì cha mẹ đến xin cha sở cho phép con em mình được rước lễ, sau khi đã đăng ký cho chúng theo học lớp giáo lý. Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên một bổn phận khác của cha mẹ, quan trọng hơn nhiều, đó là giáo dục lòng đạo đức cho con em mình, qua việc đọc kinh chung trong gia đình, qua việc đưa con em mình đi nhà thờ: đó là cách giáo dục đức tin cách thực tiễn hơn cả, và nếu thiếu sự giáo dục này trong gia đình thì các lớp học giáo lý chẳng ích lợi bao nhiêu.
 
Cha sở còn có nghĩa vụ nào nữa không?
 
Tôi nghĩ rằng cha sở ở Việt Nam đã có nhiều việc phải lo rồi, trong đó việc tổ chức các lớp giáo lý cho thiếu nhi là một gánh nặng đáng kể, vì thế tạm coi là đủ. Nhưng bên châu Âu, người ta đặt ra nhiều vấn đề mới, trong khuôn khổ đối thoại đại kết cũng như do ảnh hưởng của vài trào lưu tâm lý hiện đại. Trong khuôn khổ đối thoại đại kết, cách riêng đối với các Giáo hội Chính thống, người ta muốn duy trì thứ tự cổ truyền của các bí tích khai tâm, đó là: “rửa tội- thêm sức - Thánh Thể”. Kỷ luật hiện hành trong Giáo hội công giáo La-tinh là: “rửa tội - rước lễ - thêm sức”. Nên biết là trước khi có nghị định 1905 dưới thời đức Piô X, thì bên châu Âu, nhiều nơi duy trì được thứ tự cổ truyền, nghĩa là các thiếu nhi lãnh bí tích thêm sức (7-8 tuổi) trước khi rước lễ lần đầu (12 tuổi). Với việc hạ tuổi rước lễ lần đầu xuống, người ta thấy khuynh hướng muốn tăng tuổi thêm sức lên. Một lý do khá thực tiễn để tăng tuổi lãnh bí tích thêm sức là để cho các thiếu nhi chịu khó theo học các lớp giáo lý hơn. Nhưng có nơi thì lại muốn trở về với thời Trung cổ, nghĩa là kéo dài tuổi rước lễ lần đầu, ngõ hầu tôn trọng thứ tự các bí tích khai tâm.
 
Tâm lý hiện đại có ảnh hưởng gì đến việc rước lễ vỡ lòng?
 
Số 914 của bộ giáo luật nhấn mạnh rằng trước khi lãnh bí tích Thánh thể, các nhi đồng cần phải đi xưng tội. Như chị đã biết, bí tích thống hối không nằm trong tiến trình khai tâm. Vì thế trong khung cảnh đối thoại đại kết, người ta muốn bỏ ra ngoài. Đàng khác, vài người cho rằng các em bé chưa thể phạm tội trọng được, vì thế không cần buộc các em phải đi xưng tội trước khi rước lễ vỡ lòng. Từ thập niên 70, đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà luân lý và các nhà sư phạm: phải chăng các nhi đồng không thể phạm tội trọng được? Có nên gây ý thức cho các em về tội lỗi trong các lớp giáo lý hay không? Đây là những câu hỏi rất tế nhị, mà tôi không thể đi sâu trong bài hôm nay.
 
Ở Việt Nam, có nơi cử hành “rước lễ bao đồng”. Rước lễ bao đồng là gì?
 
Tục lệ rước lễ bao đồng không được phổ cập cho lắm, và nhiều giáo phận ở Việt Nam không hề nghe nói tới. Tôi đã tra cứu nhiều từ điển cũ mới, và không thấy từ “bao đồng”. Không biết ai đã tạo ra từ đó. Nguyên gốc của nó trong tiếng Pháp là “communion solennelle”, dịch nôm na là “rước lễ trọng thể”. Thế nào là rước lễ trọng thể? Ở Việt Nam, nơi nào có tục lệ rước lễ bao đồng (hay rước lễ trọng thể), thì người ta hiểu nó như là đối lại với “rước lễ lần đầu” (còn gọi là rước lễ vỡ lòng). Tại sao có sự đối chọi đó? Nguồn gốc từ đâu? Dĩ nhiên, không nói ai cũng biết là nguồn gốc của nó không phát xuất từ Việt Nam, bởi vì lịch sử Kitô giáo tại đây chưa quá 4 thế kỷ. Chúng ta phải truy tầm tục lệ này từ các nước châu Âu, và từ đó các nhà truyền giáo đã du nhập vào Việt Nam. Nói cách chính xác hơn: nó bắt nguồn từ bên Pháp, vì vậy mà các giáo phận nào do các cha truyền giáo Tây ban nha phụ trách sẽ không biết tục lệ này. Tại sao mà gọi là “rước lễ trọng thể”? Theo vài nhà sử học, từ ngữ này ra đời vào thế kỷ XVII, do các cha dòng thánh Vinh sơn Phaolô. Các cha muốn gây ý thức cho các bậc phụ huynh trong việc chuẩn bị con em của mình rước lễ, vì thế các cha đã tổ chức những nghi lễ long trọng. Lúc đầu thì cho các em cầm nến, rồi dần dần, cho các em đội triều thiên, và nhất là các em gái thì mặc đồ trắng toát, giống như cô dâu ngày lễ cưới. Điều quan trọng cần ghi nhận là việc rước lễ trọng thể được hiểu là các chi tiết làm tăng thêm phần long trọng cho các em rước lễ lần đầu. Vào thời ấy, tuổi tối thiểu để rước lễ lần đầu là 12 tuổi. Sang đầu thế kỷ XX, với sắc lệnh Quam singulari (8/8/1910), đức thánh cha Piô X giảm tuổi rước lễ lần đầu xuống vào khoảng 7 tuổi. Từ đó, người ta mới tách ra hai cơ hội. Trước tiên là rước lễ lần đầu, vào khoảng 6-7 tuổi. Dĩ nhiên là các em phải theo học lớp giáo lý để rước lễ lần đầu. Tiếp đó, các em còn theo học lớp giáo lý để lãnh bí tích thêm sức, vào khoảng 8-10 tuổi. Tiếc rằng, sau đó, các em không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, trừ một lần vào dịp cưới và một lần chót khi nằm trong quan tài để cho người ta khiêng tới làm lễ an táng.
 
Nhằm giúp cho các thanh thiếu niên có dịp đào sâu thêm căn bản giáo lý, các nhà phụ trách mục vụ đã mang cho việc rước lễ bao đồng một ý nghĩa mới. Sau khi đã lãnh bí tích thêm sức rồi, các thiếu nhi tiếp tục theo các lớp giáo lý để chuẩn bị rước lễ bao đồng, vào khoảng 12 tuổi. Tính cách trọng thể của lễ nghi này nằm ở chỗ các em sẽ cầm đèn trên tay, lặp lại các lời hứa khi lãnh bí tích rửa tội. Nói đúng ra, khi lãnh bí tích rửa tội, các em chỉ biết khóc oe oe. Các cha mẹ hay người đỡ đầu đã đọc lời tuyên xưng đức tin thay cho các em. Bây giờ các em đã lớn, các em có thể đích thân lặp lại các lời tuyên xưng đó. Như vậy, ngày rước lễ bao đồng mang tính cách dấn thân, sẵn sàng làm chứng nhân cho đức Kitô. Đó là quan niệm mục vụ của thời kỳ trước công đồng Vaticanô II. Như đã nói trên đây, tục lệ rước lễ trọng thể không được phổ cập cho lắm, và thường hạn hẹp vào những vùng nói tiếng Pháp. Sau công đồng Vaticanô II, với việc duyệt lại các sách phụng vụ cũng như các phương pháp sư phạm huấn giáo, nhiều nơi đã đặt lại vấn đề rước lễ bao đồng. Trong nghi thức cử hành bí tích thêm sức, có phần lặp lại các lời hứa khi lãnh bí tích rửa tội. Vì thế không có lý gì mà phải lặp lại một lần nữa trong lễ nghi rước lễ bao đồng. Bởi vậy, khuynh hướng là sát nhập giáo lý rước lễ bao đồng vào giáo lý thêm sức: cả hai muốn giúp cho các thanh thiếu niên được trưởng thành hơn trong đức tin, ý thức về ơn gọi Kitô hữu làm chứng tá cho Tin mừng. Trong viễn ảnh đó, nhiều nơi đã nâng tuổi để lãnh bí tích thêm sức lên tới 10, 12, 14 tuổi, nếu chưa nói là cao hơn. Dĩ nhiên, ở đâu mà không có tục lệ rước lễ bao đồng thì người ta không đặt ra vấn đề vừa nói, và cũng không thấy cần phải du nhập tục lệ này.

(Giuse Phan Tấn Thành OP.)