07/01/2017
261
Phép lạ đầu tiên
Thứ Bảy ngày 07.01.2017
Lời Chúa: 
 Ga 2,1-11
1Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi." 4Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến." 5Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." 6Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng. 8Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. 9Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." 11Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Suy niệm: 
Hoàn cảnh không gian: Ngay từ đầu năm thứ nhất đời công khai Chúa Giêsu, và quãng tháng năm, Chúa Giêsu cùng các môn đệ được mời dự tiệc cưới ở Cana. Cana là một thành phố nhỏ, cách phía nam Nazareth, quê mẹ của Người chừng 10 cây số về hướng đông bắc. Người Do thái thường cưới gả vào tháng 3, là tháng có tiết trời đầm ấm, hoa cỏ đua vui. Họ thường mở tiệc khánh hạ đủ bảy hôm hoặc 3 hôm. Đối với người góa tái hôn, mỗi ngày thường có người khách mới tới bất ngờ, nên số người không tính kỹ trước và số rượu không dự trù sẵn thì rất có thể bị thiếu đồ ăn thức uống giữa chừng. Mà bị thiếu rượu như thế là một sỉ nhục ba đời nữa, mất hết danh dự và xấu hổ vì mang tiếng “keo kiệt”. Ở đây, tiệc Cana đã rơi vào tình trạng đó. Thấy họ băn khoăn, tinh ý, Đức Mẹ nhắc khéo với con Mẹ: “họ hết rượu rồi” (c.3). Chúa Giêsu trả lời “Giữa tôi với bà có việc nào đâu” (c.4).
Giải thích đoạn văn: Chúa Giêsu gọi Mẹ mình bằng tiếng “Bà”. Nếu như xưng với người khác như thế là điều dễ hiểu. Nhưng xưng tụng với chính Mẹ mình như thế như có vẻ thiếu thân mật. Nhưng thực ra đó cũng là một kiểu nói đầy kính trọng các bà nơi công chúng. Cũng như chúng ta quen gọi cha mẹ nói chung là ông bà nội ngoại.
“Tôi với bà nào có việc gì đâu, có liên hệ gì đâu” (c.4). Đây không phải là một câu trách móc, vì Đức Mẹ đề nghị chỉ vì lòng thương mà thôi và qua câu nói đó, như là diễn tả một sự từ chối. Theo Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu làm phép lạ không phải vì người ta xin bao giờ cả. Thí dụ viên sĩ quan xin Chúa chữa bệnh cho con trai ông thì điều kiện là ông phải tin rằng Chúa có thể chữa bệnh từ xa bằng một lời nói (4,50). Chính Chúa Giêsu tự ý quyết định làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân (6,5), và chính Ngài quyết định chữa người mù (9, 3). Chị em Lagiarô xin Chúa đến giúp lúc em hấp hối, nhưng rồi vẫn cứ chết. Và Chúa để hai ngày sau đó, rồi Chúa mới tới (11,3-7). Ở đây trong tiệc Cana. Chúa Giêsu nói với mẹ Ngài như thế nói lên một chân lý là Chúa làm mọi sự đều bởi Ngài, bởi Thiên Chúa Cha mà thôi.
Thật ra Chúa Giêsu liên hệ với Đức Mẹ bằng tình mẫu tử. Mối giây liên hệ này không thể chối cãi... Nhưng Chúa Giêsu đến trần gian này để lập một đại gia đình thiêng liêng của Nước trời, một gia đình lớn gồm bất cứ ai có lòng tin và thực thi giới luật của Ngài. Cho nên mối liên hệ nhục thể gia đình thường không có tầm quan trọng nào đối với sứ mệnh nước trời. Nhưng chỉ có một cộng đồng thiêng liêng này giá trị mà thôi (Mt 12,48-50). Vậy thì xét về sứ mệnh cứu rỗi, Chúa Giêsu chỉ lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha mà thôi. Cho nên trong lúc đó, do thánh ý Thiên Chúa Cha, Đức Mẹ cũng không dự phần vào sứ mệnh ấy. Đức Mẹ hiểu thế, nên vận dụng vào lòng tin “hễ Ngài bảo gì thì hãy làm như thế” (c.5). Văn minh phép lạ lẫy lừng đầu tay đã xảy ra.
Ý nghĩa phép lạ:
a. Nước trở nên rượu là hình bóng phép Thánh Thể sau này Ngài sẽ làm cho rượu trở nên máu thánh của Ngài.
b. Chúa đến dự đám cưới này, để thánh hóa hôn nhân. Như thế, chế độ hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập ngay từ đầu lịch sử nhân loại và được tăng uy thế qua phép lạ hôm nay. Cũng như định luật bất khả phân ly trong hôn nhân cũng được gián tiếp đóng ấn ở đây (Mt 19,3).
c. Dù sao phép lạ Cana được thực hiện do chính sự can thiệp của Mẹ. Mẹ Maria là dấu chỉ rằng đã đến giờ mẹ có dự phần: một sứ mệnh đặc biệt trong công nghiệp cứu rỗi nhân loại. Khi can thiệp, Mẹ Maria không nhất thiết ép buộc Chúa Giêsu phải làm phép lạ theo như ý của Mẹ, nhưng mẹ xin theo như ý Chúa Cha mà thôi. Mẹ vẫn là trung gian.
d. Sự biến đổi nước thànhh ruợu cũng ám chỉ luật Tân ước thay thế cho luật cũ của các tiên tri.
đ. Chữ bà trong phép lạ Cana này nhắc tới bà Eva cũ trong sách Sáng thế ký 3,15. Đức Mẹ được gọi là Eva mới chiến thắng cùng Chúa Giêsu, nhờ sự vâng lời. Chữ bà cũng nhắc tới một người nữ “chân đạp mặt trăng” (Kh 12,1).
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Chúa và Đức Mẹ nhạy cảm nhận ra nhu cầu của người khác để giúp đỡ họ. Xin cho chúng con luôn khao khát cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa bằng đời sống đạo của mình, đời sống của một người Kitô hữu làm tất cả vì Chúa và cho Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
 
Nguồn: Ủy ban Thánh kinh/ HĐGMVN