25/03/2015
607
Biểu tượng
Thứ Ba Tuần V Mùa Chay
Lời Chúa:  Ga 8,21-30
21 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được".

22 Người Do Thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói 'Nơi Ta đi các ông không thể tới được'?"

23 Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. 24 Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".

25 Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! 26 Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Đấng đã sai Ta là Đấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài".

27 Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, 28 vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. 29 Đấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài". 30 Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

Suy niệm: 
A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Bài đọc 1 kể chuyện con rắn đồng: Khi đó dân Do Thái đang đi trong sa mạc. Vì khổ cực và thiếu thốn, họ luôn miệng trách Môsê và còn trách cả Chúa. Chúa cho những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ kêu cầu Môsê. Chúa bảo Môsê đúc một con rắn bằng đồng treo lên cây, kẻ nào bị rắn lửa cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống.

2. Bài Phúc Âm: Chúa Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người Do Thái: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu rỗi cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Chính khi Chúa Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu rỗi cho loài người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên Thánh giá Chúa Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu rỗi.

Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi khỏi vườn địa đàng. Hãy suy nghĩ thêm về cái nghịch lý “bị” và “được” này.

2. Nhìn lên Thập giá, ta có thể thấy được rất nhiều điều:

- Thấy tội lỗi của mình

- Thấy tình thương của Chúa

- Thấy giá trị của đau khổ

- Thấy ơn cứu rỗi

- Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ.v.v...

3. Một bà goá đến xin cha sở chứng nhận để bà xin trợ cấp, vì con trai bà đi lính và đang phục vụ ở nước ngoài. Cha sở chợt nhớ đến sứ điệp Thánh Kinh nên nói với bà:

- Có phải công lao của bà đáng lãnh số tiền đó?

- Không ạ. Đó là công của con trai con. Cháu muốn con được hưởng. Con chỉ việc kí tên và lãnh tiền.

- Phải, cũng như không phải công lao của bà mà bà được cứu rỗi, mà là công lao của Con Thiên Chúa trên núi Canvê. Ngài muốn bà hưởng công lao đó. Bà chỉ việc kí tên và lãnh nhận. (Góp nhặt)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Là Ðấng Emmanuel ở cùng chúng con. Chúng con tin rằng Chúa hằng ở cùng chúng con. Khởi đầu bằng việc nhập thể làm người. Chúa thực sự hòa nhâp với lịch sử nhân loại. Hai ngàn năm trôi qua, là quãng thời gian Chúa cùng đồng hành với vũ trụ và lịch sử. Chúa đi vào trần gian để ghi dấu tình yêu thủy chung và không phôi phai nơi trần thế. Biểu tượng tột đỉnh của tình yêu chính là tình yêu tự hiến. Chúa hiến mình chịu chết trên thập tự giá để cứu rỗi trần gian. Chúa còn tự hiến chính Máu Thịt mình nên của ăn và của uống nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tri ân và cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Lời tâm huyết mà Chúa hằng mong muốn nơi chúng con: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Lời đó không chỉ là lời mời gọi mà còn là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Nếu chúng con là môn đệ của Chúa mà không diễn tả được tình yêu trong ngôn ngữ, hành động của mình thì chúng con chỉ là kẻ dối gian.

Theo Chúa là trở nên giống Chúa. Theo Chúa là quên đi bản thân mình mà hòa nhịp với trái tim yêu thương của Chúa. Như thế, theo Chúa là chọn con đường tình yêu để đến với tha nhân, là chọn cung cách yêu thương để đối xử với tha nhân. Là hoạ lại hình ảnh yêu thương của Chúa giữa thế gian.

Lạy Chúa, chúng con muốn được theo Chúa cho đến cùng. Xin ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con luôn nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân.

Xin ban cho chúng con tấm lòng của Chúa để chúng con yêu thương phục vụ mọi người. Sống bao dung. Sống độ lượng. Sống vâng phục để ý Chúa được nên trọn. Lấy nhân nghiã làm nền tảng để cư xử tốt với mọi người. Chọn sống thanh bần mà hòa mình với tha nhân. Xem chữ tín như mối dây liên kết với đồng loại.

Xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa, để chúng con biết cảm thông trước những cảnh đời bất hạnh của tha nhân. Cảm thông cả những yếu đuối tội lỗi của họ.

Xin ban cho chúng con đôi tay của Chúa để chúng con xoa dịu những đau thương khốn cùng của anh em. Vực dậy những tâm hồn đang ngã qụy trước những thất bại, đắng cay. Xin cho đôi tay chúng con luôn rộng mở để thi ân cho kẻ cơ hàn.

Xin ban cho chúng con đôi chân của Chúa để chúng con dám đến với tha nhân trong yêu thương phục vụ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ chùn bước trước gian nguy thử thách. Một lòng tín trung bước theo Chúa cho đến cùng.

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con biết dùng tình yêu làm biểu tượng cho cuộc sống của mình. Xin cho chúng con biết sống và yêu như Chúa đã sống để yêu thương chúng con. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)